Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam (startup Việt) đã có sự bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Nhiều giải pháp công nghệ đã được các startup Việt đưa ra để giải quyết những vấn đề, nhu cầu của thị trường và cuộc sống.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi với báo chí để cùng nhìn nhận về sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2022 với khát vọng dân tộc – đưa Việt Nam sánh vai cùng bè bạn quốc tế.

Trong bối cảnh COVID-19 lan tràn và kéo dài, có rất nhiều đợt sóng lên-xuống, thì tất cả những bạn trẻ khởi nghiệp của các nước trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động đó. Mặc dù chúng ta không có điều kiện gặp trực tiếp để gọi vốn, tổ chức các sự kiện đông người nhưng chúng ta đã phát huy tối đa khả năng kết nối trực tuyến. Vì vậy, năm 2021 số vốn đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã tăng vọt. Điều này cho thấy sự năng động, chuyển mình rất nhanh, không chỉ là chống chịu mà sự bứt phá vươn lên của startup Việt là rất tốt.


Năm 2022, các Startup Việt tiếp tục tạo đà bức phá vươn lên
Điều đó cho thấy các bạn trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy sự năng động và lắng nghe hơi thở của thị trường, lắng nghe nhu cầu của cuộc sống và mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và như vậy chúng ta sẽ vượt lên được chính mình. Kinh nghiệm cho thấy các bạn nhìn ra được những giải pháp mang tính toàn cầu và những xu hướng để chống chọi và bứt phá sau đại dịch này. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu. Và vì thế từ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã đến từng hộ người dân đều phải dùng đến chữ “phải” chuyển hướng, phải chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Những xu hướng đó cũng sẽ giúp cho startup Việt có thị trường rất lớn và ngược lại. Nhu cầu trong nước sẽ giúp cho các startup Việt thử nghiệm những sản phẩm giúp chuyển đổi số và từ đó có thể đi ra toàn cầu.

Quan trọng nhất là chúng ta phải có đội ngũ huấn luyện viên/cố vấn chuyên nghiệp càng nhanh càng tốt. Hiện nay chúng ta đã bắt đầu hình thành đội ngũ mentor – huấn luyện viên ở một số lĩnh vực công nghệ, nhưng để trở thành những huấn luyện viên/cố vấn chuyên nghiệp thì chúng ta đang thiếu. Tri thức, sự kết nối, việc rèn cả lý thuyết và thực hành hằng ngày càng nhanh càng tốt để chúng ta sẽ có được đội ngũ tiên phong về công nghệ mở đường cho những mô hình kinh doanh mới. Các bộ, ban, ngành đã có nhiều chương trình đào tạo, nhưng đào tạo chất lượng như thế nào, hiệu quả ra sao thì chúng ta phải có một đánh giá toàn diện và nếu thiếu thì phải nhanh chóng bù đắp khoảng trống này. Đặc biệt, chúng ta phải tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của những người đã có kinh nghiệm huấn luyện những đội startup thành công, cả trong phạm vi khu vực và quốc tế.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục bứt phá trên đà của năm 2021. Tuy nhiên mức độ bứt phá đến đâu trong bối cảnh cạnh tranh khu vực thì chúng ta phải tính toán và chuẩn bị lực lượng rất tốt, vì các nước trong khu vực cũng đang thúc đẩy rất nhiều chính sách hỗ trợ, có nhiều phương tiện/công cụ để chuyên nghiệp hóa/chuyên môn hóa rất sâu các startup trong các lĩnh vực công nghệ. Hiện nay, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam bao giờ cũng hỏi: “các bạn chuyên sâu về lĩnh vực gì?”, “giải quyết vấn đề gì mang tính toàn cầu?”. Trong khi đó những công nghệ nền tảng, những công nghệ mới bây giờ hầu như mang xu hướng mã nguồn mở. Nếu chúng ta có mô hình kinh doanh tốt, có cách giải quyết vấn đề của thị trường tốt thì ta có thể tìm nguồn công nghệ rất sẵn có (kể cả nguồn ở trên mạng, nguồn của các hãng, tập đoàn lớn họ đưa ra). Phương tiện không thiếu, nhưng người để chuyển công nghệ đó thành mô hình kinh doanh để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của thị trường thì chúng ta cần chú ý điểm đó. Hiện chúng ta làm khá tốt khi đi theo xu hướng này. Và tôi tin các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào cuộc cũng sẽ giúp startup chuyên sâu và có phương tiện để chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.