Để lan tỏa phong trào khởi nghiệp sâu rộng, môi trường học đường dần được quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó học sinh sinh viên, thanh niên chính là chủ thể.

Để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, hiện nay các địa phương đang chú trọng vào hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở các trường đại học, cơ sở giáo dục,… Qua đó, hình thành và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST, tạo tiền đề để xây dựng mối liên kết các thành phần của hệ sinh thái vùng với hệ sinh thái quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.

Để làm được việc đó, công tác giảng dạy, định hướng của các đơn vị là yếu tố quan trọng để thúc đẩy khát vọng trong tầng lớp học sinh sinh viên, thanh niên. Cùng với việc ươm mầm dự án, nhiều đơn vị cũng định hướng thúc đẩy học viên khởi nghiệp bằng chính nghề nghiệp được đào tạo.

Ông Mai Anh Đức, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Đức Minh (Đà Nẵng) cho hay công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp đang được đơn vị xác định là trọng tâm của giảng dạy trong thời gian tới. Hiện tại, đơn vị đang tập trung mở thêm các khoa dạy học mới về đào tạo nghề pha chế, công nghệ làm đẹp, đào tạo ngắn hạn du lịch,…


Nhiều dự án khởi nghiệp trong môi trường học đường được thương mại hóa tạo tiền đề cho hành trình mới của học sinh sinh viên, thanh niên.
“Hiện tại, đơn vị chú trọng vào các khóa học ngắn hạn để học viên có thể nắm vững kiến thức thực hành, sau khi tốt nghiệp, học việc có thể đi làm ngay tại các cơ sở trên địa bàn. Ngoài ra, nếu có điều kiện, học viên có thể khởi nghiệp ngay từ ngành nghề mà mình lựa chọn để phát triển kinh tế. Từ khâu tuyển sinh đến hướng nghiệp, đào tạo, nhà trường luôn muốn học viên của mình xác định rõ hướng đi của mình để từng bước hoàn thiện kỹ năng nghề, còn lại việc khởi nghiệp sẽ do các bạn quyết định trong thời gian đào tạo”, ông Mai Anh Đức cho hay.

Cùng làm công tác giáo dục, TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) thông tin trong chương trình ươm tạo khởi nghiệp, nhà trường luôn đặt ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên vào một chương trình học. Vị này chia sẻ, các chương trình giảng dạy sẽ giúp sinh viên sẽ được thực hiện các chương trình khởi nghiệp, được hướng dẫn cụ thể để phát triển nội lực từ các giảng viên hiện có tại nhà trường.

“Đến hiện tại, nhà trường đã hỗ trợ phát triển 700 sản phẩm khởi nghiệp từ đội ngũ sinh viên, giảng viên,… Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ lập doanh nghiệp để tiếp tục phát triển sản phẩm, dần hình thành đội ngũ doanh nhân trẻ có đóng góp cho kinh tế – xã hội địa phương”, TS. Đào cho biết.


Công tác hướng nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh được các đươn vị chú trọng.
Nếu chỉ tính riêng tại Đà Nẵng, hiện địa phương đang có 22 trường Đại học, Cao đẳng với hơn 100.000 sinh viên chưa kể đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu và 40 tổ chức khoa học công nghệ. Đồng thời, môi trường khởi nghiệp tại Đà Nẵng hiện nay đang rất sôi động, có nhiều vườn ươm doanh nghiệp và các sản phẩm khởi nghiệp được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.

Không chỉ Đà Nẵng, hầu hết các địa phương trên cả nước cũng đang tập trung ươm tạo các dự án khởi nghiệp trong môi trường học đường. Từng bước, thúc đẩy khát vọng làm giàu, cống hiến cho thế hệ trẻ trong tương lai.

Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa qua, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực cho sự phát triển của quốc gia. Theo Thủ tướng, tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc, phát triển ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh sinh viên (HSSV).

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, cần tạo điều kiện, môi trường, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp và ĐMST, khuyến khích hỗ trợ về vốn, thuế, phí, lệ phí và khích lệ tinh thần chủ thể khởi nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương có cơ chế hình thành và phát triển tinh thần khởi nghiệp ĐMST ngay tại các trường học, trường nghề, các cơ sở giáo dục đào tạo,… giải quyết được ngay vấn đề thực tế đề ra. Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển các trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, gắn kết các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với trung tâm khởi nghiệp tại các địa phương, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cấp Quốc gia.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia với mạng lưới chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế với phương châm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các địa phương phải có chương trình đầu tư xứng đáng cho khởi nghiệp, có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương theo hướng xanh, bền vững,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các Bộ, ngành sửa đổi, hoàn thiện nội dung các quy định về quỹ đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng tinh giảm các thủ tục hành chính. Cần xây dựng cơ chế chính sách, cải cách hành chính giảm chi phí đầu của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rẻ nhất có thể, đơn giản nhất có thể và giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể để từ đó truyền cảm hứng, tạo động lực, tạo ra xu thế, phong trào về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao các địa phương hỗ trợ triển khai khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm của thanh niên. Đối với môi trường cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải thuận lợi nhất.

Đặc biệt, đối với các địa phương, cơ sở giáo dục phải có định hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho rõ nét, tập trung có trọng tâm, trọng điểm nhằn tạo ra sản phẩm có giá trị cao nhất có thể. Cùng với đó, phải thương mại hóa, có thị trường tiêu thụ để mang lại giá trị vật chất cho sản phẩm khởi nghiệp.

“Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp. Tiếp tục xây dựng, vận động, thu hút nguồn lực vào các quỹ đầu tư cho sinh viên, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho hoạt động khởi nghiệp,… để giảm nguồn vốn.

Đối với các trường đại học, các cơ sở giáo dục, nghề nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ngành giáo dục và đào tạo. Nhà trường là nền tảng, các thầy cô giáo là động lực, học sinh sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.

DIENDANDOANHNGHIEP.VN